Bài viết trên tạp chí Foreign Affairs Lí giải hành vi Liên Xô

Nguồn gốc

Địa điểm Kennan phát biểu ở Hiệp hội Quan hệ đối ngoại vào tháng 1 năm 1947.

Ngày 7 tháng 1 năm 1947, Kennan có bài phát biểu ở Hiệp hội Quan hệ đối ngoại tại New York[39] về quan hệ đối ngoại Liên Xô. Ông không soạn trước bài phát biểu do đã phát biểu nhiều lần về chủ đề này. Kennan phân tích thế giới quan của Liên Xô dựa trên tư tưởng Mác-Lenin và lịch sử Nga. Chính quyền Liên Xô duy trì nền độc tài bằng cách thêu dệt ra những thế lực thù địch nước ngoài nên nếu Hoa Kỳ muốn thay đổi Liên Xô thì cần phải "ngăn chặn" Liên Xô "một cách không khiêu khích".[40]

Tại buổi thảo luận có giám đốc ngân hàng R. Gordon Wasson, ông có ấn tượng với Kennan và bảo Hiệp hội nên đăng bài phát biểu lên tạp chí Foreign Affairs. Tổng biên tập tạp chí Hamilton Armstrong hỏi Kennan sắp xếp lại bài phát biểu thành một bài viết dù đã không tham gia buổi thảo luận. Kennan viết thư trả lời rằng "tôi thật ra không thể lấy tên thật của tôi để viết gì về Nga. Nếu tạp chí đồng ý đăng bài giấu tên hay dùng bút danh... thì tôi có thể thu xếp". Armstrong đồng ý cho phép Kennan giấu tên thật.[41]

Kennan không quá rảnh để soạn một bài viết mới do công tác giảng viên ở Học viện Chiến tranh Quốc gia nên ông tìm lại trước tác cũ để nhuận sắc. Ông quyết định dùng lại một bản phân tích mà ông gửi cho Forrestal vào tháng 1 năm 1946, dài khoảng 6.000 từ, tiêu đề là "Cơ sở tâm lý của chính sách ngoại giao Liên Xô. Forrestal đã khen bản phân tích là "rất hay" và gửi lên Tướng Marshall.[42][note 4] Kennan hỏi trợ lý của Forrestal có được đăng nặc danh bản phân tích này lên tạp chí Foreign Affairs không.[45] Forrestal và Bộ Ngoại giao cho phép Kennan xuất bản.[42]

Kennan sửa lại một vài đoạn và xóa tên ghi bút danh "X", thêm ghi chú: "Tác giả của bài viết này có nhiều kinh nghiệm về Nga về mặt thực tiễn và học thuật nhưng vì chức vụ nên không thể dùng tên thật".[42] Armstrong xuất bản bài viết của Kennan dưới tiêu đề "The Sources of Soviet Conduct" nhưng lược bỏ phần ghi chú của Kennan.[46]

Nội dung bài viết

... rõ ràng trọng tâm chính sách Hoa Kỳ đối với Liên Xô phải là kiên nhẫn, kiên định ngăn chặn xu hướng bành trướng Nga một cách lâu bền, thận trọng.[47]

– "X" (Kennan), Lí giải hành vi Liên Xô, phần II

Mở đầu bài viết, Kennan giải thích rằng Stalin và giới lãnh đạo Liên Xô dùng chủ nghĩa Marx-Lenin để ngụy biện[48] cho việc cầm quyền mặc dù không được nhân dân ủng hộ. Để duy trì quyền lực, chính quyền Liên Xô phải thêu dệt mối đe dọa từ những thế lực nước ngoài:[42]

... giới lãnh đạo [Liên Xô] có thể tùy ý, tùy thời đưa ra bất cứ thuyết nào có lợi cho sự nghiệp về mặt chiến thuật và yêu cầu tất cả thành viên của phong trào tin tưởng tuyệt đối. Vậy thì sự thật không phải là bất biến mà là sản phẩm của chính giới lãnh đạo Liên Xô.[49]

Tuy nhiên, Liên Xô không có dự định lật đổ phương Tây ngay lập tức[50] mà sẽ tập trung "xâm nhập vào mọi ngóc ngách trên thế giới".[51] Hoa Kỳ cần phải có chính sách ngăn chặn dài hạn đối với tham vọng bành trướng của Liên Xô. Hoa Kỳ phải áp dụng "đối lực" tùy theo lợi ích địa lý, chính trị và "đương đầu với Nga bằng đối lực ở bất cứ nơi nào mà Nga có dấu hiệu xâm phạm quyền lợi của một thế giới hòa bình, ổn định".[52][53]

Chính sách ngăn chặn sẽ có hiệu lực về dài hạn vì nền kinh tế Liên Xô thì thô sơ, chính quyền thì không có quy trình chọn lãnh đạo.[50] Bất cứ sự gián đoạn nào trong nền chính trị Liên Xô đều có thể "ngay lập tức biến Liên Xô từ một trong những nhà nước mạnh nhất thành một trong những nhà nước yếu nhất, đáng thương nhất".[54] Bài viết lưu ý rằng chính sách ngăn chặn là đặc hiệu đối với Liên Xô bởi hệ tư tưởng Marx-Lenin chủ trương kiên nhẫn,[55] "chính quyền Liên Xô không có lý do gì để vội. Giống như Giáo hội Công giáo, Liên Xô tin rằng hệ tư tưởng của mình là lâu bền, có căn cứ... nên sẽ không liều những thành tựu hiện tại của cuộc cách mạng để đổi lấy những thứ phù phiếm trong tương lai".[56]

... còn khả năng (mà tác giả của bài viết này cho là khả năng cao) rằng chế độ Liên Xô, giống như thế giới tư bản, tiềm ẩn mầm mống sự suy tàn của chính nó mà sự nảy nở đã khởi phát.[57]

– "X" (Kennan), Lí giải hành vi Liên Xô, phần III

Kết quả của chính sách ngăn chặn là "sự tan rã hoặc suy yếu dần dần của chế độ Liên Xô".[58] Liên Xô sẽ buộc phải thích nghi với thực tiễn đầy trở ngại. Hoa Kỳ muốn thi hành chiến lược này thì phải giải quyết được những vấn đề của chính mình.[44] Bài viết kết luận: "Để tránh đi đến diệt vong thì Hoa Kỳ chỉ cần phát huy những truyền thống tốt đẹp nhất của mình và chứng minh mình đáng là cường quốc. Quả là một bài thử quốc túy chí công bằng".[59]